Cách tính lương công nhân đầy đủ theo bậc, chế độ và lĩnh vực đặc thù

 Tính lương là một nghĩa vụ của doanh nghiệp nhằm chi trả xứng đáng cho những giá trị mà người lao động đã đóng góp. Đây là một công việc định kỳ và có tính bắt buộc, thể hiện sự tuân thủ nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định luật lao động đối với người làm công. Do đó, tính lương là một quy trình vô cùng quan trọng, đòi hỏi tính chính xác và đúng thời hạn, vừa để thể hiện tính chuyên nghiệp của công ty, vừa để đảm quyền lợi cho người công nhân. Trong bài viết sau đây, cùng tìm hiểu về quy trình tính lương hiệu quả, các tiêu chí tính lương, hình thức tính lương và hướng dẫn cách tính lương đầy đủ theo từng lĩnh vực và theo hiệu suất làm việc cho doanh nghiệp.

>>> Xem thêm: Nền tảng chuyển đổi số Doanh nghiệp

I. Các tiêu chí tính lương không thể thiếu

Để khuyến khích người lao động mà vẫn đảm bảo công bằng trong quy chế trả lương, doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chuẩn đo lường rõ ràng, ví dụ như:

  • Chuyên cần: Đảm bảo đầy đủ thời gian làm việc và số ngày công quy định.
  • Hiệu suất làm việc: Dựa trên các chỉ số đánh giá hiệu quả công việc như KPI, dựa trên số lượng sản phẩm hoặc chỉ tiêu cần đạt, số lượng sản phẩm đạt chất lượng, bị hỏng hoặc lỗi để tính lương.
  • Thời gian làm việc ngoài giờ: Ghi nhận thời gian tăng ca làm thêm giờ của công nhân, thời gian làm thêm vào ngày nghỉ lễ để điều chỉnh tiền lương theo quy định của luật Lao động (Ngày thường: 150%; Chủ nhật: 200%; Ngày lễ, Tết: 300% * số giờ làm thêm).
  • Các yếu tố khen thưởng (nếu có): Quy định thưởng % dự án, thưởng khi đạt hiệu suất, thưởng khi vượt KPI, các chế độ phụ cấp theo quy định của công ty (sinh nhật, cưới hỏi, thai sản, v.v.).
  • Các yếu tố vi phạm (nếu có): Quy định phạt chuyên cần (đi muộn, nghỉ không phép), phạt chậm tiến độ, v.v.

II. Các hình thức tính lương phổ biến

2.1 Tính lương theo bậc

Bậc lương là chỉ số thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc khác nhau trên cơ sở bằng cấp và trình độ. 

Cách tính lương theo bậc được thực hiện theo công thức chung như sau: Số tiền lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương. Trong đó, mức lương cơ sở được quy định theo mức tối thiểu vùng và hệ số lương được quy định khác nhau với các bậc nhân viên theo quy định của văn bản pháp luật.

2.2 Tính lương theo chế độ

  • Lương cơ bản: Là mức lương cứng được thỏa thuận giữa chủ lao động và người lao động, không bao gồm phụ cấp, tiền thưởng và các khoản phúc lợi khác.
  • Lương thử việc: Tối thiểu 85% mức lương của vị trí chính thức (tùy thuộc vào quy định công ty trên cơ sở quy định pháp luật).
  • Lương khoán: Là tiền lương dành cho người lao động làm công việc hợp đồng thời vụ.
  • Lương phụ cấp và trợ cấp: Là số tiền lương hỗ trợ được thỏa thuận và quy định trong Hợp đồng lao động tùy theo chế độ của từng doanh nghiệp (ví dụ như xăng xe, đi lại, điện thoại, thiết bị làm việc, v.v.).

2.3 Tính lương theo thời gian làm việc

  • Tính lương theo tháng: Số tiền được trả cho 01 tháng làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động.
  • Tính lương theo tuần: Số tiền được trả cho 01 tuần làm việc, trên cơ sở lương tháng * 12 và chia cho 52 tuần.
  • Tính lương theo ngày: Số tiền được trả cho 01 ngày làm việc, trên cơ sở lương tháng chia cho tổng số ngày công trong tháng (tối đa không quá 26 ngày) theo quy định pháp luật.
  • Tính lương theo giờ: Số tiền được trả cho 01 giờ làm việc, trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc thực tế trong ngày theo quy định của luật Lao động.

2.4 Tính lương theo hiệu suất

Tiền lương được tính dựa trên mức độ hoàn thành công việc về mặt số lượng và chất lượng hoặc hiệu suất số lượng công việc hoàn thành/thời gian. Đây là hình thức trả lương được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm tạo động lực cho người lao động nâng cao hiệu suất làm việc.

>>> Xem thêm: Mạng xã hội nội bộ doanh nghiệp – Collaboration CoDX Network

III. Hướng dẫn cách tính lương công nhân

3.1 Cách tính lương cơ bản của công nhân

Theo quy định, lương cơ bản của công nhân không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết Hợp đồng Lao động. Đặc biệt, đối với công nhân đã qua học nghề thì phải được cộng thêm cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu.

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 01/01/2021, mức lương cơ bản sẽ được quy định như sau:

  • Lương tối thiểu vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
  • Lương tối thiểu vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
  • Lương tối thiểu vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
  • Lương tối thiểu vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

Như vậy, nếu công nhân đang làm việc tại vùng I và có bằng đào tạo nghề (trung cấp, cao đẳng) thì mức lương thấp nhất mà người lao động sẽ được nhận là: 4.420.000 * 107% = 4.729.400 đồng/tháng.

3.2 Cách tính lương công nhân theo lĩnh vực đặc thù

Đối với từng lĩnh vực lao động, cách tính lương công nhân sản xuất sẽ được tính theo hệ số lương của ngành nghề đặc thù. Theo quy định của Nhà nước hiện nay, thang lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất sẽ được chia làm 2 mã số A và B (Nghị định số 205/2004/NĐ-CP), gồm:

  • Mã số A gồm thang lương 7 bậc – 7 hệ số (A.1) và thang lương 6 bậc – 6 hệ số (A.2), chia 3 nhóm theo mức độ nặng nhọc và tính phức tạp của công việc.
  • Mã số B gồm 15 ngành, mỗi ngành có số lượng bậc lương – hệ số lương khác nhau.

Theo đó, cách tính lương công nhân của một số ngành cụ thể sẽ được tính như sau:

Cách tính lương công nhân xây dựng

Áp dụng mã số A.2 (thang lương 6 bậc – 6 hệ số), dùng cho các ngành chế biến lương thực, thực phẩm; dệt, thuộc da, giày may; nông nghiệp thuỷ lợi, thuỷ sản; lâm nghiệp; xây dựng; dầu khí; khai thác hầm lò. Cụ thể:

  • Nhóm I: hệ số lương các bậc là : 1,55 – 1,85 – 2,22 – 2,65 – 3,18 – 3,8
  • Nhóm II: 1,67 – 2,01 – 2,42 – 2,9 – 3,49 – 4,2
  • Nhóm III: 1,78 – 2,13 – 2,56 – 3,06 – 3,67 – 4,4

Ví dụ, công nhân xây dựng, được xếp vào nhóm II và đang hưởng lương bậc VI với hệ số 4,2 , được phụ cấp 700.000 đồng/tháng thì mức lương tháng hiện tại của công nhân đó là:

Mức lương = (1.300.000 x 4,2) + 700.000 = 6.160.000 đồng/tháng

Cách tính lương công nhân may

Áp dụng mã số A.2 (thang lương 6 bậc – 6 hệ số). Ví dụ, nếu một công nhân may được xếp vào nhóm I và đang hưởng lương bậc V với hệ số lương 3.18, được phụ cấp 800.000 đồng/tháng thì mức lương tháng sẽ được tính như sau:

Mức lương = (1.300.000 x 3,18) + 800.000 = 4.934.000 đồng

>>> Xem thêm: Trình ký điện tử với chữ ký số cho doanh nghiệp 4.0

3.3 Cách tính lương công nhân theo sản phẩm

Trả lương theo sản phẩm là hình thức tính lương công nhân được nhiều doanh nghiệp áp dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Trong đó, mức lương được quy định bởi đơn giá sản phẩm được giao và số lượng, chất lượng sản phẩm (tổng số sản phẩm hoàn thành, số sản phẩm hoàn thành/giờ hoặc % số sản phẩm hoàn thành đúng quy chuẩn, v.v. tùy theo quy định của công ty). Về cơ bản, số tiền lương theo sản phẩm được tính như sau: Số tiền lương = Sản lượng sản phẩm * Đơn giá sản phẩm.

Tổng kết

Có thể nói, công việc lập bảng lương và tính lương là một nghiệp vụ hành chính – nhân sự quan trọng, có ảnh hưởng đến quyền lợi của từng nhân viên. Nếu quy trình tính lương không được xây dựng chỉn chu và đảm bảo độ tin cậy, sẽ có rất nhiều sai sót và vấn đề rắc rối nảy sinh. Vì vậy, việc tìm kiếm và áp dụng một hệ thống phần mềm tính lương phù hợp với nhu cầu và quy mô doanh nghiệp là một yêu cầu không thể thiếu trong quy trình vận hành của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến